Bạn hẳn đã nhiều lần nghe qua thuật ngữ xét nghiệm ADN nhưng đã hiểu rõ về nó chưa? Việc ứng dụng kỹ thuật phân tích ADN đã giúp ích rất nhiều cho việc xác định huyết thống hay điều tra tội phạm với độ chính xác cao hơn hẳn các phương pháp nhận dạng truyền thống. Vậy thì hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về thuật ngữ này nhé.
Định nghĩa và cơ sở khoa học của ADN
ADN hay DNA là viết tắt của deoxyribonucleic acid. Nó là vật chất tồn tại trong nhân tế bào và trên các nhiễm sắc thể (NST) có nhiệm vụ lưu trữ thông tin di truyền của mỗi sinh vật. Gen chính là một đoạn ADN mang thông tin di truyền.
Bộ gen của con người có 23 cặp NST, trong đó có 22 cặp NST thường và 1 cặp NST giới tính. Nữ giới có cặp NST giới tính XX liên kết với nhau, còn ở nam giới là XY.
ADN có dạng chuỗi xoắn kép
Xét nghiệm nhận dạng cá thể người chủ yếu được thực hiện bằng cách sử dụng các marker DNA trên các NST trong nhân tế bào và trên NST Y (di truyền theo cha). Còn giới tính xác định bằng cách sử dụng các marker trên NST giới tính.
Xét nghiệm DNA là xét nghiệm xác định huyết thống thông qua việc phân tích trình tự ADN đặc trưng giữa hai người có nghi ngờ quan hệ huyết thống với nhau. ADN được duy trì trong mỗi thế hệ và được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Con cái bao giờ cũng thừa hưởng các đặc tính di truyền thông qua 23 NST từ tinh trùng của bố và 23 NST từ tế bào trứng của mẹ. Đó chính là cơ sở khoa học để xác định quan hệ huyết thống ở người.
Dùng những mẫu gì để xét nghiệm ADN?
Dùng tóc để xét nghiệm
Trước kia, mẫu xét nghiệm ADN thường được dùng chỉ có mẫu máu tươi hoặc máu khô thấm trên giấy FTA chuyên dụng. Còn hiện nay, các mẫu xét nghiệm rất đa dạng và có độ chính xác tương tự như: máu, mẫu mô, móng tay, tóc, cuống rốn, xương, răng…
Vì hệ gen của con người được thiết lập ngay tại thời điểm thụ thai và thường không thay đổi nên xét nghiệm huyết thống có thể thực hiện ở bất kỳ độ tuổi nào. Thậm chí có thể lấy mẫu vật từ trẻ chưa sinh như nước ối có chứa các tế bào của thai nhi.
Tính chính xác như thế nào?
Xét nghiệm DNA vẫn là cách xác minh mối quan hệ huyết thống chính xác nhất hiện nay. Ví dụ, nếu mẫu ADN của con và bố nghi vấn khớp với nhau trong từng gen thì độ chính xác có quan hệ huyết thống là 99.9999% (16 locut gen).
Ngược lại, nếu mẫu ADN của người con và bố nghi vấn không khớp với nhau từ 2 gen trở lên, thì kết luận người đàn ông này không phải là cha đẻ của đứa trẻ với độ chính xác là 100%.
Còn trong trường hợp các mẫu ADN của bố nghi vấn và con không khớp với nhau từ 1 đến 2 gen thì việc yêu cầu phân tích thêm mẫu của người mẹ là cần thiết.
Tính chính xác của xét nghiệm DNA lên tới 100%